Việc ký kết hướng tới cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết về 4 chủ đề chính gồm có quản lý tài chính cá nhân, sức khỏe sinh sản, tình dục vị thành niên, quyền hợp pháp, và kỹ năng lãnh đạo cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại các trường trung học phổ thông tại Việt Nam.
Bà Michele Wee, TGĐ. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Ông Rad Kivette, TGĐ. VinaCapital Foundation ký kết thỏa thuận hợp tác.
Theo biên bản ghi nhớ, dự án này sẽ được triển khai trong vòng 1 năm từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023 với mục tiêu trao quyền cho những nạn nhân của hủ tục, định kiến giới và bất bình đẳng giới để các bạn trở thành những nhân tố thay đổi cộng đồng của chính mình.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019, cứ 4 trẻ em gái dân tộc thiểu số thì có 1 em kết hôn dưới 18 tuổi, thậm chí có những em lấy chồng từ khi mới 14 - 15 tuổi. Ở một số nhóm dân tộc thiểu số, tỷ lệ tảo hôn lên tới 40% đến 50%. Việc kết hôn sớm dẫn đến việc mang thai và sinh con ở tuổi vị thành niên. So với nhóm bà mẹ sinh con ngoài 20 tuổi, tử vong do thai sản ở nhóm tuổi từ 15 đến 19 cao gấp 2 lần và ở trẻ em gái dưới 15 tuổi cao gấp 4 lần. Tảo hôn cũng chính là một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng bỏ học ở trẻ em gái dân tộc thiểu số, tước đi hy vọng và ước mơ của các em.
Ngày 8/3/2022, nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữ, Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, và Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation, đã ký kết Biên bản ghi nhớ phối hợp triển khai 2 Câu lạc bộ Nữ sinh Mở đường đến Tương lai, một sáng kiến của chương trình Mở đường đến Tương lai do VCF thực hiện. Theo đó, Standard Chartered Việt Nam sẽ tài trợ hơn 340 triệu đồng (tương đương USD 15,100) để triển khai 2 mô hình Câu lạc bộ tại 2 trường THPT ở vùng sâu vùng xa, cung cấp giáo dục và cố vấn đồng đẳng cho 160 nữ sinh dân tộc thiểu số. Ngoài mục tiêu khuyến khích các nữ sinh tiếp tục đến trường và ngăn chặn tình trạng tảo hôn, Câu lạc bộ được thành lập nhằm tạo ra một môi trường an toàn và thoải mái, khuyến khích các nữ sinh chia sẻ khó khăn và học hỏi lẫn nhau.
Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, các chuyên gia tài chính và tình nguyện viên từ Standard Chartered Việt Nam sẽ tham gia tư vấn và tổ chức các hoạt động cho Câu lạc bộ nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho các em nữ sinh.
Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, chia sẻ: “Biên bản ghi nhớ này là một phần trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Standard Chartered Việt Nam và VinaCapital Foundation, vốn được thiết lập từ năm 2021. Chúng tôi cam kết hỗ trợ và thúc đẩy thêm nhiều thành phần trong xã hội tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội thông qua nhiều sáng kiến, trong đó tập trung vào hỗ trợ các thanh thiếu niên ở tuổi vị thành niên thuộc các nhóm cần sự trợ giúp, như phụ nữ và người dân tộc thiểu số, phát triển bản thân và sự nghiệp. Với lịch sử hoạt động đầy ấn tượng tập trung vào hỗ trợ các em nữ sinh dân tộc thiểu số ở độ tuổi vị thành niên, VinaCapital Foundation là một đối tác tuyệt vời có thể hỗ trợ chúng tôi tạo ra thêm những tác động tích cực cho cộng đồng tại Việt Nam.”
Bà Michele Wee, TGĐ. Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và Ông Rad Kivette, TGĐ. VinaCapital Foundation chụp ảnh sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác.
Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation khẳng định: “Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng tại các cộng đồng đang hoặc kém phát triển, giáo dục trẻ em gái về các kiến thức và kỹ năng cốt lõi là khoản đầu tư tốt nhất mà chúng ta có thể thực hiện để giảm nghèo bền vững, cải thiện sức khỏe, xây dựng tầng lớp trung lưu và đảm bảo quyền của phụ nữ. VinaCapital Foundation vinh dự được hợp tác với Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam để tạo ra cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tại cộng đồng dân tộc thiểu số cho các em nữ sinh trung học phổ thông thuộc nhóm dễ bị tổn thương, phải chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn. Với sự hỗ trợ quý báu của Standard Chartered Việt Nam, dự án này sẽ chuẩn bị và tạo điều kiện cho các em nữ sinh phát triển và trở thành những người phụ nữ độc lập mạnh mẽ với đầy đủ năng lực để tham gia đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.”
Nguyễn Khanh (Doanh Nghiệp Và Tiếp Thị)