Nhạc sĩ La Hữu Vang tên thật là Trần Đình Giác, sinh ngày 6/4/1935 tại Tuy Phước (Bình Định). Từ những năm 1960, ông đã tốt nghiệp trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, và về dạy nhạc tại Quy Nhơn. Nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã từng là học trò âm nhạc của La Hữu Vang trong những năm còn ở bậc trung học. Theo nhạc sĩ Trần Long Ẩn thì "từ năm 1968, nhạc sĩ La Hữu Vang đã vào Sài Gòn, lặng lẽ tham gia phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe… Nhạc sỹ La Hữu Vang sáng tác không nhiều nhưng mỗi ca khúc đều có độ bộc phá mạnh mẽ của sự phản kháng trí thức và tình yêu nước nồng nàn của công dân trước thời cuộc". Ca khúc "Tháng 7 và những cơn mưa" ông viết vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, và đã được nhiều người yêu mến ngay khi mới ra đời.
Về bài hát này, bạn Hoàng thị Hằng ở Văn La, Quán Hàu, Quảng Ninh, Quảng Bình - một cô gái của thế hệ những năm 80, đang còn ngồi trên ghế nhà trường viết: "Là một người con sinh ra trong thời bình, tuy không trực tiếp chứng kiến những đau thương mất mát của chiến tranh nhưng qua đài, báo, sách vở và những bài hát về thời đạn bom ấy em đã phần nào hiểu được cái tàn khốc của chiến tranh, sự mất mát to lớn của những người mẹ, người vợ Việt Nam. Nghe câu hát, em lại trào dâng một niềm cảm xúc thật mạnh mẽ. Em nhớ đến những người chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ Quốc, trong đó có hai người bác ruột mà em không bao giờ được gặp mặt bởi chiến tranh đã cướp hai bác đi rồi".
Với nỗi thấm thía từ chính sự mất mát của gia đình mình, bạn Hoàng thị Hằng viết tiếp: "Máu của các anh, nhịp đập của trái tim các anh đã hòa vào với đất với nước của quê hương nuôi sống lại những mầm xanh bị kẻ thù tiêu hủy, tiếp thêm sức mạnh cho một Việt Nam giàu đẹp".
Cảm nhận theo dòng liên tưởng những gì bài hát "Tháng 7 và những cơn mưa" gợi lên, từ câu đầu tiên đến kết thúc, bạn Dương Thị Thắng - giáo viên THCS Phúc Triều, Thái Nguyên đã dừng lại ở một quãng trào vỡ của cảm xúc và viết: "Anh ở đâu? Giờ Anh ở đâu?" Một câu hỏi được đã lặp đi lặp lại đã nhấn mạnh hơn khi kết hợp nhuần nhuyễn với giai điệu, lời ca dường như da diết hơn, khắc khoải hơn như muốn thấu khắp trời xanh êm vô tình kia. "Anh ở đâu? Giờ Anh ở đâu? Bạn bè, đồng đội, người thân đang đêm ngày lặn lội tìm anh. Các anh đã về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi những người chưa từng qua chiến tranh song cũng hiểu và vẫn luôn nhớ ơn các anh với tất cả tấm lòng. Bài hát khép lại bằng những giọt mưa: Mưa rơi ngoài đời, mưa rơi trong lòng người. Và tác giả - nhạc sĩ La Hữu Vang đã khéo biến nội tâm người nghe thành nhịp cầu nối quá khứ và hiện tại. Tôi cảm giác thời gian như chậm lại, không gian như rộng ra. Chiến tranh đã lùi xa chúng ta bao năm song những mất mát vẫn còn đọng lại sâu sắc trong tâm trí người dân Việt Nam".
"Tháng 7 lại về, đó là lời tự sự của người đồng đội tưởng nhớ tới những người đồng đội năm xưa đã anh dũng hi sinh cho non sông đất nước, đó cũng là mốc thời gian gợi lên trong lòng mỗi người niềm thương nỗi nhớ và lòng biết ơn vô bờ bến" - bạn Mai Đức Viên HT 5NK-1008 đã mở đầu những dòng cảm nhận của mình về bài hát “Tháng 7 và những cơn mưa” như vậy. Bạn viết tiếp: “Với giai điệu ngọt ngào sâu lắng và lời ca đã gợi lên trong tôi bao kỷ niệm của một chiều nơi chiến trường xưa dưới cơn mưa bom bão đạn thù đổ xuống, các anh đã xông lên chiến đấu kiên cường dẫu biết rằng cùng với thời gian, hương hồn các anh đang còn nằm lại đâu đó, chưa được về đoàn tụ với gia đình, với đồng đội, nhưng các anh hãy yên lòng, đồng đội các anh và cả chúng tôi vẫn luôn nhớ về các anh và hôm nay xin gửi về anh một nén hương lòng”.
Từ Tam Bình, Vĩnh Long, bạn Nguyễn Ngọc Thúy - một bạn trẻ được sinh ra trong thời bình, nhưng Thúy luôn nhớ ơn những người đã ngã xuống trong đó có bác Hai và nhiều người thân của Thúy, để giành lại hòa bình cho hôm nay. Cảm nhận về bài hát Thúy viết: "Khi ca khúc "Tháng 7 và những cơn mưa" vang lên Thúy thấy mình nao nao và những giọt nước rơi thay cho những cơn mưa trong bài hát. Thúy kể: Hôm ấy bác Hai đi công tác về quê, vừa đến sau hè là bọn giặc vây bắt, một viên đạn lạc vào tim người chiến sỹ trẻ trong đám lục bình. Xác của bác bị chúng dìm xuống nước, nhưng linh hồn của người chiến sỹ trẻ đã mỉm cười chiến thắng. Hôm nay nghe lại ca khúc, tôi xin nguyện thắp nén hương lòng trước anh linh bác và các đồng đội của bác. Xin mượn lời của nhạc sỹ để thay cho lời Thúy: "Dẫu rằng thời gian anh còn nằm lại với đất trời sông núi yêu thương, xin gửi về anh một nén hương lòng".
"Tháng 7 và những cơn mưa" - bài hát đã gợi lên không chỉ niềm thương nhớ những người con ngã xuống vì Tổ quốc mà còn làm hiển hiện lại hùng khí của một thời, của một thế hệ như bạn Trần Văn Quân ở số 1 ngõ 90, Hùng Vương, Nam Định viết: "Các anh trong bài hát đó là những người lính của ba thế hệ đã xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai. Đa số họ đang tuổi thanh xuân nhưng tất cả đều tạm gác lại đời riêng để lên đường đi chiến đấu". Và bạn Trần Văn Quân đã nhớ tới những câu thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo trong trường ca:
"Đất nước hình tia chớp
Thế hệ chúng con đi nhanh như gió thổi
Áo quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
Thế hệ chúng con ồn ào dầy dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười giành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân”.
Kết thúc bài bình của mình, bạn Trần Văn Quân viết: "Cảm ơn nhạc sỹ La Hữu Vang đã nói hộ chúng ta những điều ta muốn nói. Tôi viết những điều này như một nén nhang đầy tình thương nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ nhân ngày 27/7 năm nay. Chúng ta xin mãi biết ơn những bà mẹ anh hùng đã hiến dâng những người con anh hùng cho Tổ Quốc quyết sinh và mãi mãi chịu ơn những người chị đã không bao giờ còn được đón chồng trở về đoàn tụ".