Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng Khoa Nhi của bệnh viện cho biết, đa số trẻ đến khám do mắc các bệnh viêm phế quản, tiểu phế quản và một số bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu. Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa nhi, bệnh nhi tăng là do thời tiết giao mùa (nồm ẩm), tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển.
Bệnh viện E cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo bác sĩ Lê Thị Thu Phương (Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E), những ngày gần đây lượng bệnh nhi đến khám tại khoa tăng gấp 3 lần so với trước. Đặc biệt, trẻ đến khám buổi tối cũng tăng với khoảng 20 người/đêm.
Tại bệnh viện E, bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, bệnh lý truyền nhiễm do virus tăng lên rõ rệt, nhất là trẻ bị sẵn các bệnh mãn tính như hen phế quản, viêm tiểu phế quản đến khám tăng nhanh.
Bên cạnh bệnh lý về hô hấp, các trường hợp bị viêm kết giác mạc (đau mắt đỏ) thời gian gần đây cũng tăng. Bác sĩ Phương cho rằng, đa số trẻ bị lây bệnh do thói quen sinh hoạt hàng ngày hoặc lây ở trường lớp.
Với trẻ sơ sinh, nhiều phụ huynh trước khi chăm sóc cho trẻ không vệ sinh tay trước, khiến vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và gây bệnh cho trẻ. Trẻ đang trong độ tuổi học mầm non, nếu giáo viên không tuân thủ biện pháp phòng bệnh trong quá trình chăm sóc trẻ thì nguy cơ bệnh đau mắt đỏ lây lan ra cả lớp học rất dễ xảy ra.
Để tránh mắc bệnh trong thời tiết nồm ẩm, bác sĩ Phương lưu ý trẻ đến trường cần tuân thủ vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân. Trẻ tuyệt đối không dùng chung khăn mặt, cốc chén uống nước, dụng cụ ăn uống. Ngoài ra trẻ cần thường xuyên lau dọn tay nắm cửa, đồ chơi vì đó là nơi vi khuẩn, virus trú ẩn. Khi trẻ cầm nắm vào đồ vật đó, đưa tay lên mắt, nguy cơ mắc bệnh rất lớn.
Phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn uống đủ chất để tăng đề kháng, giữ gìn vệ sinh nhất là vệ sinh tay, đeo khẩu trang nơi công cộng. Cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ nhỏ, nếu có điều kiện nên dùng máy hút ẩm để môi trường thông thoáng, hạn chế sự phát triển của virus, vi khuẩn.
Cha mẹ nên cắt móng tay chân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày. Ngoài ra cần lưu ý cho trẻ đi ngủ đúng giờ. Phòng ngủ của trẻ thoáng, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định, giúp trẻ không gặp khó khăn khi hô hấp.
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như đỏ mắt, dụi mắt, sốt, ho, khò khè cần phải đưa đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám kịp thời.
Để phòng bệnh cần cho trẻ, việc tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi theo khuyến cáo của Bộ Y tế là không thể thiếu.