Với những bệnh nhân nhập viện muộn, bị sốc sốt xuất huyết, rất cần truyền tiểu cầu, một chế phẩm máu đặc biệt.
Vậy hiến máu tiểu cầu khác thế nào với hiến máu toàn phần. Vì sao cần xây dựng lực lượng người hiến tiểu cầu thường xuyên, trở thành một ngân hàng máu bền vững ứng cứu cộng đồng trong tình huống khẩn cấp?
Theo các chuyên gia dịch tễ, với chu kỳ 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn, đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 11, tháng 12 tới.
Thực tế, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019-2021. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, có gần 10.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 12 trường hợp tử vong.
Số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, số mắc ghi nhận tại các huyện ngoại thành chiếm trên 58%, nội thành chiếm gần 42%.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đã chủ động phân công các bệnh viện tham gia điều trị, bố trí cơ số giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Chúng tôi đã tổ chức hệ thống quản lý phân tầng, phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân khoa học theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đảm bảo nhu cầu điều trị của người dân”.
Tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh đã gây áp lực lên công tác cung ứng máu phục vụ cấp cứu điều trị. Trao đổi với VOV Giao thông, bác sĩ Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học truyền máu Trung ương cho biết, Viện đang liên tục kêu gọi người dân đi hiến máu toàn phần, và đặc biệt là hiến tiểu cầu do nhu cầu đang tăng lên gấp 2-3 lần.
“Bình thường ở viện chúng tôi, ngoài sản xuất tiểu cầu từ máu toàn phần, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu. Còn lại 30% từ người hiến tiểu cầu gạn tách. Mỗi ngày chúng tôi lấy 100-120 đơn vị, nhưng đợt dịch sốt xuất huyết này thì 150 đơn vị cũng không đủ, nhiều khi 1 đơn vị phải chia đôi cho 2 bệnh nhân. Viện liên tục mời gọi và mong người hiến tiểu cầu đủ thời gian an toàn đến hiến, các bạn liên hệ trước để chúng tôi tiếp đón tốt nhất”, bác sĩ Trần Ngọc Quế cho biết.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Quế, các cơ sở y tế hiện chủ yếu tiếp nhận hiến máu toàn phần. Tuy nhiên, công nghệ hiện đại cho phép thuận tiện hơn trong việc hiến máu từng phần, gồm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, tế bào gốc, huyết tương. Trong đó, tiểu cầu có đặc điểm chỉ lưu trữ được trong 5 ngày, rất cần thiết trong nhu cầu cấp cứu và điều trị. Người bệnh chỉ cần 1 đơn vị là có thể được cứu sống kịp thời.
Là một trong những người hiến tiểu cầu thường xuyên, ngay sau khi nhận được thông báo, chị Hoàng Thị Tuyết Nhung, 28 tuổi, giáo viên mầm non ở Hưng Yên, đã tức tốc thu xếp công việc và việc nhà, tranh thủ cuối tuần xuống Hà Nội hiến máu.
Cô gái nhóm máu B này đã hiến tiểu cầu trên 50 lần: “Thật ra em cứ đủ ngày, tiện đâu em hiến đấy. Viện Việt Đức, Viện Huyết học, 108. Có bệnh viện ở Quảng Ninh có một em nhỏ phẫu thuật tim. Em sẵn sàng bắt xe đến Quảng Ninh để hiến tặng máu. Hiến máu em cảm thấy rất vui, khỏe, tăng 1-2 cân. Vì hạnh phúc nhận về là khi mình biết cho đi”.
Tương tự, vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Trường và Nguyễn Thị Phấn (ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Do thời gian hiến linh động, lại có nhiều địa điểm tiếp nhận nên anh chị coi hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu như một thói quen, vừa nâng cao sức khỏe, vừa có ích cho cộng đồng.
“Cho tới thời điểm này, chồng tôi đã hiến 42 lần, tôi được 10 lần. Động lực thì mọi thứ đều là hướng thiện, mong mọi người có sức khỏe, truyền tải được tinh thần đến người khác. Cứ 20 ngày là chúng mình thu xếp mọi thứ, bớt lại một khoảng thời gian nào đó để mình đi”.
Được biết, mỗi năm, Trung tâm máu quốc gia tiếp nhận khoảng 30.000 đơn vị tiểu cầu từ khoảng 10.000 người hiến tiểu cầu thường xuyên. Đội ngũ này là những ngân hàng máu sống có thể điều động được ngay, bất kể ngày đêm.
Do chỉ cần 2-3 tuần là có thể hiến tiếp nên họ đóng vai trò thiết yếu trong dịch vụ truyền máu phục vụ cấp cứu, điều trị, đặc biệt trong những lúc dịch bệnh bùng phát, bệnh nhân phát hiện muộn, đến cơ sở y tế trong tình trạng nặng gia tăng.
Những nguồn sống bền bỉ
Nếu đã từng hiến máu tình nguyện, bạn có thể đã nhận được một tin nhắn từ các bệnh viện kêu gọi đi hiến tiểu cầu vì nhu cầu khẩn cấp để cấp cứu, điều trị.
Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu cần điều kiện sức khỏe nghiêm ngặt hơn, thời gian hiến lâu hơn (trung bình 1 tiếng để gạn tách đủ 1 đơn vị) nhưng lại có khoảng cách giữa 2 lần hiến ngắn hơn (chỉ khoảng 21 ngày).
Khối tiểu cầu được chỉ định truyền cho những người bệnh đặc thù, có tình trạng xuất huyết do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu. Có những bệnh nhân chỉ cần được truyền 1 đơn vị, chỉ số tiểu cầu đã trở về trạng thái bình thường và tính mạng được đảm bảo.
Cùng với tính chất chỉ có thể bảo quản được trong 3-5 ngày, nên người hiến tiểu cầu trở thành người hiến máu thường xuyên và đóng vai trò rất quan trọng trong dịch vụ truyền máu.
Bạn từng nghe đâu đó có những người được tôn vinh vì hiến máu hàng trăm lần, mỗi năm hiến tới 13-14 lần, đó chính là những người hiến tiểu cầu.
Về nguyên tắc, khi một bệnh nhân nhập viện cần truyền máu, các bác sĩ sẽ thông báo cho gia đình bệnh nhân tìm người thân quen, kêu gọi cộng đồng có nhóm máu đã được chỉ định đến hiến máu để đảm bảo dự trù máu.
Nhưng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhu cầu sử dụng máu tăng hoặc nguồn cung giảm đột ngột nhiều lần, việc kêu gọi sự tự nguyện đơn lẻ rất khó khăn và không đảm bảo được yêu cầu cứu chữa người bệnh. Lúc này, việc tổ chức, huy động một lực lượng hiến máu thường xuyên là giải pháp bền vững.
Họ là những người sẵn sàng lên đường bất kể khoảng cách địa lý, thời gian ngày hay đêm, điều kiện thời tiết mưa bão để đến hiến máu, cấp cứu người bệnh. Họ sẵn sàng bỏ qua việc cá nhân, thời gian cho gia đình để dành 1 tiếng quý báu giúp đỡ những người hoạn nạn không quen biết.
Trên hết, họ có một tấm lòng hướng thiện. Có những người khi đủ ngày, đủ điều kiện hiến máu luôn cảm thấy bứt rứt nếu không đi hiến. Có những người hiến máu thấy sức khỏe tốt lên, tâm trạng nhẹ nhõm, vui tươi, đã lôi kéo, thuyết phục thêm vợ, chồng, con, cháu đi hiến máu.
Nếu đến khoa hiến máu, Viện Huyết học truyền máu trung ương những ngày này, bạn sẽ cảm thấy ấm lòng trong cái rét ngọt đầu đông.
Ở góc phòng là chuyện một giáo viên mầm non đã hiến máu hơn 50 lần, chị hào hứng kể về những dự định sẽ tặng tóc cho bệnh nhân ung thư, hiến trứng cho một gia đình hiếm muộn sinh cặp bé song sinh.
Kế bên là một anh công nhân công ty văn phòng phẩm với giọng nói đầy tự hào vì mang trong mình nhóm máu O+, nhóm máu chuyên cho đi. Anh bộc bạch, bị “nghiện” đi hiến máu vì chắc chắn ngoài xã hội bộn bề huyên náo kia, luôn có một ai đó cần đến máu của anh.
Ở góc khác của căn phòng là chuyện của hai bà cháu đi xe buýt từ Thanh Xuân lên Cầu Giấy hiến máu. Bà nằm hiến tiểu cầu, cháu gái 5 tuổi mắt tròn xoe nằm bên cạnh – Khung cảnh thật bình yên.
Là chuyện của hai vợ chồng với ánh mắt trìu mến, hạnh phúc khi cùng nhau đi hiến máu. Họ chẳng vì một lý do nào to tát, chỉ vì “có những người đang thiếu cái mà mình đang thừa”.
Khoảng 10.000 người đang tham gia vào lực lượng hiến máu thường xuyên ấy, với sự tự nguyện và tính trách nhiệm cao. Họ chính là nguồn sống bền bỉ cho những bệnh nhân cần máu.
Họ - Những hạt giống gieo niềm vui và yêu thương./.