Rời Phú Thọ vào Vũng Tàu đã gần hai mươi năm, tính ra thời gian về nhà ăn Tết là rất ít. Công việc bận rộn không phải là cái cớ, đường sá xa xôi không phải là lý do, có lẽ do tuổi trẻ đam mê theo đuổi hoài bão, có khi là nhỏ tuổi không hiểu chuyện nên tôi ít về quê đón Tết. Sau khi đã làm cha, đã bước sang tuổi 40, tôi mới thấm thía tầm quan trọng của gia đình, sự vĩ đại của cha mẹ đến nhường nào. Tình yêu quê hương luôn khắc khoải trong tâm hồn tôi, trên bước đường đời, trên mỗi chặng đường tôi qua.
Nhà tôi ở sát sườn núi. Cha mẹ tôi là những người nông dân thực thụ. Số phận yêu quý tôi cho tôi là người duy nhất trong 8 anh em trong gia đình trở thành sinh viên Đại học. Tôi biết, trong hoàn cảnh nhà nghèo, đông anh chị em, thì việc cung cấp cho một sinh viên đại học là không dễ dàng chút nào. Sớm nếm trải cuộc sống khó khăn, vất vả, tôi luôn biết cảm ơn và nỗ lực, phấn đấu.
Trong những năm cắp sách đến trường, tôi luôn cố gắng học tập, khổ luyện. Những năm tháng làm việc thì tận tâm, trách nhiệm. Tôi cảm thấy nỗ lực của tôi là món quà tốt nhất để đáp lại công ơn cha mẹ. Với suy nghĩ, tâm tư luôn thôi thúc đó, tôi công thành danh toại, nhưng vô tình lại hờ hững với cha mẹ, lãng quên mất quê hương.
Ảnh minh họa
Tôi biết, cha mẹ tuy lúc nào cũng mong ngóng được nói chuyện với con trai, hay đơn giản chỉ cần nhìn thấy thôi cũng đủ, nhưng mỗi lần về nhà hoặc lưu lại thêm vài ngày là họ lại không yên tâm, không ngừng thúc giục tôi: “Đừng làm lỡ công việc! Ở nhà mọi việc đều tốt, con không phải lo!”. Đó là tình yêu của cha mẹ mang theo hương vị nồng ấm đậm mùi đất quê hương.
Tôi đắm mình trong tình yêu mộc mạc, nồng hậu, chân thành, bước đi kiên định, vững chãi trên con đường nhân sinh của mình. Có được tình yêu đó, nội tâm tôi dạt dào, tinh thần vui vẻ, phấn chấn. Có lẽ, càng được yêu như vậy, tôi càng nhớ nhà, càng nhớ thương cha mẹ.
Cha mẹ ở nông thôn là những người cả đời làm lụng, lương thiện, phúc hậu, họ cam chịu nghèo khổ, không bon chen, chỉ mong con trai, con gái được sống tốt, có tiền đồ sán lạn. Khi tôi hiểu được tấm lòng cha mẹ trên đời này đáng trân trọng như thế nào cũng là khi tôi liên lạc với bố mẹ nhiều hơn, siêng về thăm nhà hơn.
Vì vậy, ngoài việc ở xa ngàn dặm, lại thêm công việc bộn bề, không thể thường xuyên về thăm gia đình, tôi chỉ có thể dùng điện thoại gọi hỏi thăm, thông báo bình an. Mấy năm trở lại đây, tôi không lúc nào là không nhớ tới cha mẹ. Cha mẹ đều đã 70 tuổi rồi, sức khỏe lại không được tốt lắm. Sợ liên lụy tới các con, cha mẹ không muốn theo đứa con nào, vẫn kiên trì lao động, làm việc.
Mỗi lần nghĩ đến, tôi đều tự trách mình, thấy tim quặn đau từng cơn. Là con trưởng mà không hiếu kính được với cha mẹ. Cuộc đời tôi có thể không thành đạt là bao, nhưng tôi luôn muốn để cha mẹ nhìn thấy cuộc sống của mình một cách tốt nhất. Đó có lẽ là tâm nguyện và sự động viên của cha mẹ.
Thực lòng, mỗi khi đạt được thành tựu trong cuộc đời, mỗi khi tĩnh lặng một mình giữa đêm khuya, mỗi khi cảm thấy cô độc, lạc lõng giữa cuộc đời, mỗi khi Tết đến, Xuân về, tôi đều nhớ nhà, nhớ cha mẹ ở quê. Nông thôn là gốc rễ của tôi, gia đình là căn nguyên của tôi, bố mẹ là cội nguồn của tôi. Bất luận tôi có đi xa trăm nghìn vạn dặm, bất luận tôi thành đạt đến đâu, gia đình luôn là bến bờ trong tâm hồn tôi, là cõi đi về của tôi trong cuộc đời.
Mùa xuân năm nay lại sắp đến rồi. Bất luận người nhiều hay ít, cha mẹ nhất định sẽ giống như mọi năm, rang lạc từ sớm, chuẩn bị sẵn củi đốt lò, bắt cá dọn bể trước cửa, gà nuôi trong nhà giết thịt, đợi con trai, con gái bên ngoài về nhà ăn Tết.
Tết nông thôn không có sự rộn ràng của xuân muộn hay sự náo nhiệt của pháo bông, chỉ có tình thân ấm áp. Tôi cũng đã dự tính, cho dù công việc năm nay bận đến đâu, cho dù thời tiết lúc đó có xấu cỡ nào, tôi đều muốn về bên cạnh cha mẹ, cùng cha mẹ hưởng cái Tết sum vầy hạnh phúc.
THEO GIA ĐÌNH ONLINE