Trong nhiều tuần, hầu hết thế giới tập trung vào tình hình dịch bệnh Trung Quốc, nơi áp vòng kiềm tỏa với hàng chục triệu người để tránh lây lan nCoV. Nhưng trong tuần qua, dịch đã lây mạnh thêm ở Hàn Quốc, Italy và Iran. Hiện Covid-19 hiện xuất hiện ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 80.000 người nhiễm và hơn 2.700 người tử vong.
Nhân viên y tế tại thị trấn Castiglione d'Adda, Italy ngày 24/2. Ảnh: Reuters.
Bệnh dịch đã làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục triệu người ở các quốc gia ghi nhận dịch. Khẩu trang y tế và các sản phẩm khử trùng thành những mặt hàng được săn lùng trong mùa dịch. Người Trung Quốc vơ vét khẩu trang tại các cửa hàng bất chấp giá tăng chóng mặt, các bệnh viện cũng phải kêu gọi quyên góp khẩu trang. Tại Trung Đông, giá khẩu trang tăng gấp 30 lần. Ở Hong Kong, hàng dài người chờ đợi mỗi khi các cửa tiệm và siêu thị bổ sung khẩu trang và giấy vệ sinh - mặt hàng khan hiếm vì họ phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc đại lục.
Kỳ nghỉ Tết kéo dài, người dân được yêu cầu tránh ra ngoài. Vũ Hán bị phong tỏa từ 23/1 và hạn chế giao thông cũng được áp đặt tại các nơi khác trong tỉnh Hồ Bắc, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người. Giới chức Vũ Hán trong thời gian gần đây siết chặt "vòng kiểm tỏa" khi đến từng nhà để gom tất cả người nghi nhiễm vào các trung tâm cách ly. Mặc dù họ đã nới lỏng hạn chế trong tuần này khi cho phép người khỏe mạnh rời đi nếu có lý do đặc biệt, bầu không khí ngột ngạt vẫn bao trùm thành phố được các quan chức Trung Quốc mô tả như "vùng chiến".
Có những câu chuyện dở khóc dở cười như tội phạm bị truy nã trong nhiều năm ra đầu thú ở Trung Quốc vì những biện pháp quản lý ra vào, kiểm tra danh tính của các tổ dân phố khiến họ không còn có thể lẩn trốn. Những người khỏe mạnh hay đã bình phục vẫn bị đưa vào các bệnh viện dã chiến vì Vũ Hán "thà cách ly nhầm còn hơn bỏ sót".
Các du thuyền bị từ chối nhập cảnh vì lo ngại có mầm bệnh trên tàu. Hàng loạt đường bay đến các vùng dịch bị dừng hoạt động. Người gốc Á tại châu Âu và Mỹ bị kỳ thị, một tiếng ho ở phố người Hoa tại Chicago cũng khiến mọi người hoảng loạn.
Tại nhiều thị trấn miền bắc Italy, đường sá vắng tanh, người dân đổ xô mua đồ tích trữ, các hoạt động giải trí bị hủy. Tĩnh lặng bao trùm tâm dịch Daegu ở Hàn Quốc. Các cửa hiệu và nhà hàng đóng cửa, ga tàu, chợ và siêu thị không còn người qua lại. Chỉ vài người dám ra ngoài nhưng đeo khẩu trang và găng tay. Iran cũng hủy các sự kiện tôn giáo vì lo ngại về dịch. Một số nước, trong đó có Việt Nam, phải đóng cửa trường học trong cả nước hoặc ở vùng là tâm dịch.
Sức mạnh tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc vốn ảnh hưởng khắp châu Á, ra Bắc Mỹ, châu Âu và hơn thế. Các nhà sản xuất trên toàn thế giới bị ràng buộc với Trung Quốc bởi chuỗi cung ứng phức tạp, nơi các nhà máy chịu trách nhiệm cung cấp nguyên vật liệu hoặc thành phẩm. Hiện giờ, vòng kiềm tòa của Trung Quốc đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa, dịch vụ tại nước này, nhiều nhà máy, công ty đóng cửa ở Trung Quốc.
Tại Mỹ, General Motors cảnh báo việc thiếu các bộ phận do Trung Quốc sản xuất có thể làm chậm dây chuyền lắp ráp tại các nhà máy SUV ở Michigan và Texas. Apple cho biết không thể đạt được mục tiêu doanh thu trong quý này vì nhà máy đóng cửa ở Trung Quốc. Tại châu Âu, các nhà khai thác tàu container cảnh báo giảm lợi nhuận khi hàng chục chuyến tàu từ Trung Quốc bị hủy. Nhiều quan chức và nhà kinh tế đánh giá dịch bệnh có thể làm tê liệt sản xuất toàn cầu, khiến thế giới mất đến 1.000 tỷ USD, theo WSJ.
Phần lớn ca nhiễm ở Italy được ghi nhận tại khu vực Lombardy ở miền bắc. Thủ phủ của Lombardy là trung tâm tài chính Milan. Hãng xe Fiat Chrysler nằm ở phía tây Milan, trong khi các nhà sản xuất ôtô khác, bao gồm Ferrari, nằm ở phía đông nam. Milan cũng là nơi có nhiều hãng sản xuất xa xỉ phẩm.
Tại Hàn Quốc, niềm tin của người tiêu dùng giảm trong tháng hai xuống mức thấp nhất trong 6 tháng. Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Yong-beom hôm qua nói dịch "đang là mối lo ngại lớn, sẽ hạn chế đà phục hồi kinh tế mới nhen nhóm cuối năm ngoái của Hàn Quốc".
"Sự gia tăng nhanh các ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong quý I", Kim Mundy, chiến lược gia tiền tệ tại Ngân hàng Commonwealth Australia, nhận xét.
"Khi dịch còn giới hạn ở Trung Quốc và các quốc gia lân cận, nó được coi là vấn đề kinh tế của châu Á", Kevin Giddis, chiến lược gia trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Mỹ Raymond James, nói. "Nhưng giờ virus đã lây lan sang Italy khiến nó trở thành vấn đề của châu Âu và có thể là toàn cầu, làm xáo trộn chuỗi cung ứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới".
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dịch Covid-19 có thể làm giảm 0,1% tăng trưởng toàn cầu trong năm 2020. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 5,6% , thấp hơn 0,4% so với dự báo được IMF đưa ra trong tháng một.
Virus corona có tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch, đặc biệt ở châu Á. Một số nhà kinh tế cho rằng các hãng hàng không dự kiến mất khoảng 29 tỷ USD doanh thu. Các quốc gia Đông Nam Á đã đầu tư nhiều vào các khu nghỉ dưỡng và sòng bạc để thu hút du khách Trung Quốc. Giờ đây, các hãng hàng không, khách sạn và công ty lữ hành nhận những yêu cầu hủy bỏ lịch trình tới tấp, không chỉ từ khách Trung Quốc đại lục mà cả khách phương Tây, những người lo ngại về tình hình dịch tại khu vực.
Theo một phân tích của Animesh Kumar, giám đốc mảng du lịch tại công ty nghiên cứu và tư vấn GlobalData có trụ sở ở London, các quốc gia phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Singapore, mỗi nước dự kiến mất ít nhất ba tỷ USD doanh thu liên quan đến du lịch.
Một báo cáo được công bố tuần trước của Hopper, ứng dụng đặt vé máy bay và khách sạn, cho thấy sự sụt giảm trong lượng tìm kiếm các chuyến bay đến châu Á của khách Mỹ trong tuần vừa qua. Phân tích của họ cho thấy nhu cầu bay đến Malaysia, Singapore và Việt Nam giảm khoảng 20%. Người Mỹ chuyển sang tìm kiếm nhiều hơn các điểm đến trong nước.
Không chỉ có tác động đến kinh tế, virus corona còn ảnh hưởng đến cả sự kiện chính trị. Trung Quốc quyết định hoãn kỳ họp quốc hội vốn dự kiến khai mạc đầu tháng ba, động thái chưa từng có tiền lệ trong 25 năm. Ngay cả vào năm 2003, khi Trung Quốc đang chiến đấu với dịch SARS, kỳ họp quốc hội vẫn diễn ra như thường lệ.
"Đây là một động thái khá mạnh mẽ", Jane Duckett, giám đốc Trung tâm Scotland Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Glasgow, nói. "Họ rõ ràng có vẻ rất, rất lo lắng".
Quan hệ Mỹ - Trung vốn không êm đềm vì chiến tranh thương mại và cạnh tranh siêu cường lại trở nên thêm căng thẳng kể từ khi dịch bùng phát. Bộ Ngoại giao Mỹ đã nâng cảnh báo đi lại tới Trung Quốc lên mức cao nhất, khuyến cáo công dân không tới Trung Quốc và yêu cầu tất cả công dân vừa trở về từ tỉnh Hồ Bắc cách ly trong vòng hai tuần. Mỹ cũng từ chối nhập cảnh đối với những người nước ngoài đã tới Trung Quốc trong vòng hai tuần gần nhất.
Trung Quốc chỉ trích chính quyền Trump phản ứng thái quá, cáo buộc Washington gieo rắc sợ hãi và hoảng loạn. Nhưng Derek Scissors, nhà kinh tế học tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, chỉ ra không chỉ Mỹ mà cả các quốc gia khác cũng đã ra lệnh hạn chế đi lại với Trung Quốc. "Trung Quốc nhạy cảm với việc Mỹ đóng biên hơn bất kỳ nước nào bởi Mỹ là cường quốc toàn cầu", Scissors nói. "Nếu Burundi, Bỉ hay Botswana đóng cửa biên giới, việc đó thực sự không thành vấn đề".
Evan Medeiros, cố vấn về châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận xét giữa Washington và Bắc Kinh luôn tồn tại một mức độ không tin tưởng nhất định nên họ khó có thể hợp tác chặt chẽ trong công tác chống dịch.
Dịch Covid-19 được coi là bài kiểm tra với ông Tập, lãnh đạo Trung Quốc tập trung nhiều quyền lực nhất vào tay mình kể từ thời Mao Trạch Đông. Mặc dù việc này mang lại cho ông sự kiểm soát to lớn, điều đó cũng có nghĩa mọi cuộc khủng hoảng là bài kiểm tra về khả năng lãnh đạo của ông.
Công chúng Trung Quốc đã bùng nổ giận dữ sau khi bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm về virus, qua đời hồi đầu tháng hai. Cái chết của anh nhắc nhở họ về việc Trung Quốc đã phản ứng chậm chạp khi dịch mới bùng phát. Tình trạng thiếu vật tư y tế, y bác sĩ vắt kiệt sức lực và thiếu giường bệnh cũng khiến nhiều người giận dữ.
Trong hơn hai tuần gần đây, Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các động thái để trấn an công chúng như thay thế bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc và bí thư thành ủy Vũ Hán. Ngày 15/2, tạp chí Qiushi của đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài phát biểu nội bộ của ông Tập trong một cuộc họp với quan chức đảng, trong đó ông cho biết đã yêu cầu nỗ lực ngăn dịch trong một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ngày 7/1, hai tuần trước khi Trung Quốc xác nhận virus lây từ người sang người và ông Tập đưa ra chỉ đạo công khai đầu tiên về dịch.
Động thái này được đưa ra khi truyền thông quốc tế nhấn mạnh sự vắng mặt của ông Tập trong giai đoạn đầu đối phó dịch. "Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Có vẻ như ông ấy đang tự bênh vực cho mình, giải thích ông đã làm mọi thứ trong khả năng để lãnh đạo công tác phòng chống dịch bệnh", Wu Qiang, nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, nói.
Tuy nhiên, Duckett nói rằng ông Tập sẽ mất thêm nhiều thời gian để lấy lại lòng tin của công chúng. "Khi một người chịu trách nhiệm về mọi thứ, nếu có sự cố xảy ra, họ phải gánh trách nhiệm", bà nói.
Bên ngoài Trung Quốc, các chính quyền khác cũng đang gây nghi ngờ và hứng chỉ trích về cách đối phó dịch. Iran phát hiện hai ca nhiễm đầu tiên vào ngày 19/2. Trong chưa đầy một tuần, số ca nhiễm đã tăng lên 95 và 15 người thiệt mạng. Nhiều người đồn đoán rằng Iran có thể đã che đậy tình hình. Iran vốn đã có vấn đề về uy tín khi chỉ hai tháng trước, họ ban đầu bác bỏ liên quan đến vụ rơi máy bay Ukraine nhưng sau đó thừa nhận bắn nhầm máy bay.
Nghị sĩ Ahmad Amiri Farahani hôm 24/2 nói rằng ít nhất 50 người đã chết. Trường hợp đầu tiên được phát hiện hơn hai tuần trước khi các quan chức thừa nhận. Tuy nhiên, giới chức y tế bác bỏ điều này.
Tại Nhật, những lời chỉ trích chủ yếu nhắm vào cách Nhật xử lý ổ dịch trên du thuyền Diamond Princess, bị cách ly tại cảng Yokohama ngày 4-19/2. Các biện pháp cách ly không được làm đến nơi đến chốn, phương thức thực hiện liên tục thay đổi và hành khách không được chăm sóc đầy đủ đã dẫn đến hậu quả gần 700 người trên tàu nhiễm virus, 4 người tử vong.
Kyle Cleveland, giáo sư xã hội học tại Đại học Temple Tokyo, nhận xét "Nhật Bản đôi khi là nạn nhân của chính năng lực của mình". "Bình thường, đó là một xã hội có tổ chức tốt và hoạt động trơn tru ở mọi khía cạnh. Và khi có vấn đề 'đi trật khỏi đường ray', họ nghĩ rằng chỉ cần áp dụng các phương pháp bình thường hàng ngày là đủ", ông nói. "Nhưng tình huống đặc biệt đòi hỏi phải có cách phản ứng đặc biệt".
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân trong tuần vừa qua, cho thấy nước này đã bỏ lỡ "thời điểm vàng" để khống chế dịch và Covid-19 có thể tiếp tục bùng phát ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới. Nhiều người Hàn Quốc chỉ trích chính quyền Tổng thống Moon Jae-in đã coi nhẹ tính chất nguy hiểm của Covid-19.
"Dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát trong khi Tổng thống vẫn đắm chìm trong sự lạc quan, tuyên bố rằng dịch sẽ không kéo dài", tờ Chosun Ilbo viết trong một bài bình luận. "Nếu chúng ta không thể chặn đứng virus, cả đất nước sẽ lâm vào nguy hiểm".
Trước tình hình virus lây lan nhanh ở các quốc gia, Lisa Adams, chuyên gia về y tế tại Đại học Dartmouth nói "chúng ta phải thừa nhận đây là một trải nghiệm chưa từng có".
Bà cho biết có rất nhiều điều không chắc chắn về tình trạng lây lan của virus. "Giá như chúng ta có một quả cầu pha lê để xem mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào và quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng tiếp theo. Tất cả mọi người đều đang rất lo lắng", bà nói.
Phương Vũ (Vnexpress - Theo NYTimes/WSJ)