Trở thành một trong những thị trường chứng khoán hấp dẫn trong khu vực, cùng triển vọng được nâng hạng thị trường, chứng khoán Việt Nam đang trở thành miếng bánh hấp dẫn các tập đoàn tài chính ngoại. Liên tục trong thời gian gần đây, hàng nghìn tỷ đồng đã được rót vào những công ty chứng khoán thành viên để tăng vốn điều lệ, phả hơi nóng trực tiếp vào những doanh nghiệp nội trên thị trường.
Nhà đầu tư xem bảng giá trực tuyến của một công ty chứng khoán. Ảnh: Anh Tú |
Mirae Asset, Maybank Kim Eng, KIS Việt Nam, KB Việt Nam hay Yuanta là những công ty chứng khoán có vốn ngoại đáng chú ý trên thị trường. Với lợi thế về tiềm lực tài chính và nhóm khách hàng đặc thù được hỗ trợ từ các tập đoàn mẹ, những công ty này này đang dần hâm nóng cuộc đua giành thị phần trên thị trường chứng khoán.
Mirae Asset, một trong những công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, vừa lần đầu lọt vào nhóm 10 công ty giữ thị phần môi giới đứng đầu trên HoSE vào quý II. Đằng sau diễn biến này là quá trình tăng vốn không ngừng nghỉ trong ba năm gần đây. Công ty này đã tăng vốn lên gấp gần 14 lần nhờ sự hậu thuẫn của tập đoàn mẹ Mirae Asset Wealth Management. Vốn điều lệ của Mirae Asset tăng từ 300 tỷ lên 700 tỷ vào năm 2016, tăng tiếp lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2017 và đạt 4.300 tỷ đồng vào giữa năm nay.
Tương tự Mirae Asset, một loạt các công ty chứng khoán có vốn ngoại khác cũng liên tục nâng cao vốn điều lệ. KIS Việt Nam đã tăng vốn điều lệ lên gần 1.900 tỷ đồng vào cuối năm trước, trong khi Maybank Kim Eng cũng tăng vốn lên 1.056 tỷ. Hai cái tên còn lại KB Việt Nam và Yuanta từ mức vốn điều lệ 300 tỷ cuối năm 2017, mới đây cũng được chấp thuận phương án tăng vốn lên 1.680 tỷ và 1.000 tỷ đồng.
Những đợt tăng vốn chưa ngay lập tức phản ánh vào kết quả kinh doanh, thay vào đó, giúp các công ty này đủ điều kiện tham gia vào những phân khúc thị trường còn mới mẻ và tiềm năng, ví dụ như chứng khoán phái sinh và chứng quyền.
KIS Việt Nam và Mirae Asset sau khi tăng vốn vượt qua ngưỡng yêu cầu đã chính thức trở thành hai trong số 12 thành viên chính thức trên thị trường phái sinh của HNX. Mirae Asset cũng lần đầu lọt vào top 10 thị phần môi giới sau khi tăng vốn lên 4.300 tỷ đồng. Những động thái này là lý do khiến các chuyên gia đánh giá áp lực từ khối ngoại đang "phả hơi nóng" trực tiếp vào khối công ty chứng khoán nội.
Công ty chứng khoán SSI - thành viên có vốn điều lệ cao nhất trên thị trường với hơn 5.000 tỷ đồng - vừa ghi nhận quý thứ 19 liên tiếp đứng đầu thị phần môi giới trên HoSE, tuy nhiên đại diện công ty này cũng cho biết áp lực với khối công ty chứng khoán nội sẽ gia tăng cùng sự mở rộng của khối công ty chứng khoán có vốn ngoại.
"Thu hút sự quan tâm của các tổ chức nước ngoài với một thị trường chứng khoán có nhiều tiềm năng phát triển như Việt Nam là điều tất yếu. Nhưng kéo theo đó, các công ty chứng khoán trong nước sẽ chịu tác động nhiều hơn từ việc cạnh tranh", ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng Cá nhân của SSI đánh giá.
Theo ông Linh, áp lực lớn nhất sẽ đến từ yêu cầu cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ, áp lực về nhân sự và đặc biệt là cạnh tranh về khách hàng.
"Sự thành công của một tổ chức phù thuộc rất nhiều vào văn hóa của tổ chức đó. Tổ chức nào chứng minh được họ là sự lựa chọn của khách hàng, là sự lựa chọn của người tìm việc thì tổ chức ấy sẽ là tổ chức chiến thắng trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như vậy", đại diện SSI nói và cho biết không xem những biến động gần đây là thách thức mà đánh giá đây là cơ hội để các công ty nội hoàn thiện hơn.
Minh Sơn/ vnexpress