Khối lượng khớp lệnh trong phiên giao dịch này đạt mức 8,2 triệu cổ phiếu. Qua đó, giá trị vốn hóa của VinFast sau phiên giao dịch đạt gần 86 tỷ USD. Đây là phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp ghi nhận sự tăng giá của cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq.
Trong phiên, có thời điểm giá cổ phiếu VFS chạm ngưỡng 45 USD/cổ phiếu đưa tổng giá trị vốn hoá của VinFast lên tới trên 103 tỷ USD.
Như vậy, vốn hóa của VinFast hiện gấp rưỡi tổng giá trị vốn hóa của hai sàn chứng khoán Việt Nam là HNX và UPCoM cộng lại. Tại thời điểm cuối phiên 23/8, vốn hoá sàn HNX là hơn 288.000 tỷ đồng trong khi UPCoM là 924.000 tỷ đồng, tổng cộng đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 51 tỷ USD, thấp hơn con số gần 86 tỷ USD của VinFast.
Động thái tăng giá được cho diễn ra liên quan đến việc chủ tịch VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có cuộc trả lời trực tiếp trên sóng truyền hình CNN đã tác động tích cực đến hình ảnh hãng xe điện này. Trong cuộc phỏng vấn, bà Thuỷ lần đầu có chia sẻ chi tiết về công suất sản xuất của các nhà máy, số lượng đơn hàng, cơ hội gọi vốn trong tương lai của VinFast.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã cấp chứng nhận quãng đường di chuyển tối thiêu đạt 330 dặm cho phiên bản Eco (khoảng 531 km) và 291 dặm với phiên bản Plus (hơn 468 km) sau mỗi lần sạc pin cho mẫu xe điện VF 9 của VinFast. Thông số này đã vượt công bố ban đầu của hãng.
"Điều này khẳng định nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng" , bà Lê Thị Thu Thủy cho biết. VF 9 là mẫu SUV điện thuộc phân khúc E – phân khúc cao cấp nhất trong dải xe điện hoàn chỉnh của VinFast.
Với việc chỉ có khoảng 1% cổ phiếu của VinFast trên thị trường, bà Thủy cho biết công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ hội gọi vốn đầu tư theo tình hình giao dịch của thị trường. Số lượng cổ phiếu lớn hơn sẽ được đưa ra thị trường dự kiến trong khoảng 6 tháng đến một năm tới.