Vì sao trong nhiều loại cá lại có thủy ngân?
Thủy ngân vốn có trong tự nhiên, nên một lượng nhỏ sẽ tồn tại trong biển và đại dương. Tuy nhiên, các hoạt động của con người như đốt than, khai thác vàng và sản xuất công nghiệp đã làm tăng đáng kể lượng thủy ngân thải ra môi trường nước. Các sinh vật thủy sinh, bao gồm cả cá, hấp thụ thủy ngân từ nước và thức ăn.
Thủy ngân có xu hướng tích tụ trong cơ thể sinh vật theo thời gian. Cá lớn ăn cá nhỏ hơn, và thủy ngân từ những con cá nhỏ sẽ tích tụ trong cơ thể cá lớn, dẫn đến nồng độ thủy ngân cao hơn ở các loài cá lớn và sống lâu.
Ngoài ra, cũng có một số vi khuẩn trong môi trường nước có thể chuyển hóa thủy ngân vô cơ thành methylmercury, một dạng thủy ngân hữu cơ dễ hấp thụ và độc hại hơn đối với sinh vật. Khi cá lớn ăn những vi khuẩn đã nhiễm thủy ngân, thủy ngân sẽ tích tụ ngày càng nhiều trong cơ thể chúng.
Khi vào trong cơ thể, các phân tử thủy ngân hữu cơ sẽ gắn chặt với các protein trong mô cơ của cá và động vật có vỏ. Điều đáng nói là thủy ngân không hề bị phân hủy ngay cả khi chúng ta nấu chín cá và động vật có vỏ.
Nguy hiểm tiềm ẩn do nhiễm độc thủy ngân có trong cá
Nếu ăn nhiều cá và hải sản chứa thủy ngân trong thời gian dài, bạn có thể bị nhiễm độc thủy ngân, gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tâm thần như rối loạn lo âu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ, thậm chí chậm phát triển trí tuệ.
Ngoài ra, nhiễm độc thủy ngân còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây mất thăng bằng, run chân, co giật...đặc biệt nguy hiểm cho thai nhi và trẻ em. Vì vậy, hãy cẩn trọng và đi khám ngay nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Hấp thụ quá nhiều thủy ngân, thường từ việc ăn cá nhiễm độc, có thể gây ra các vấn đề về não như trầm cảm, Alzheimer, và Parkinson. Thủy ngân tích tụ trong thận có thể gây rối loạn chức năng thận, cản trở quá trình thải độc tự nhiên của cơ thể.
Hấp thụ thủy ngân trong thời gian dài khiến thận phải làm việc quá sức, dễ dẫn đến suy thận, làm thủy ngân càng khó đào thải và tích tụ nhiều hơn, gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nguy cơ mắc các bệnh như huyết áp cao, đau tim và cholesterol xấu cũng tăng cao nếu hàm lượng thủy ngân được hấp thụ ngày càng cao.
Dấu hiệu nhiễm độc thủy ngân có trong cá
Triệu chứng ngộ độc thủy ngân có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc âm thầm trong thời gian dài, tùy thuộc vào mức độ phơi nhiễm và dạng thủy ngân. Trẻ em, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền đặc biệt nhạy cảm với thủy ngân, cần hết sức lưu ý. Dưới đây là một số dấu hiệu bạn nên chú ý:
Rối loạn thần kinh
- Cảm giác tê bì, ngứa ran ở tay, chân hoặc quanh miệng
- Khó phối hợp động tác, mất thăng bằng
- Suy giảm trí nhớ, khó tập trung
- Run tay chân, co giật cơ
- Đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Rối loạn thị giác và thính giác:
- Mờ mắt, nhìn đôi, mất thị lực ngoại vi
- Ù tai, giảm thính lực
Rối loạn tiêu hóa:
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau bụng, tiêu chảy